Chỉ tính riêng năm 2015, tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển khu vực Hải Phòng đạt 68,8 triệu tấn, trong năm 2016 tăng khoảng 16% và khả năng đến năm 2020 sẽ đạt mức 110 -120 triệu tấn. Trong giai đoạn 2010 – 2015, tốc độ tăng trưởng của tổng lưu lượng hàng hóa thông qua cảng biển khu vực Hải Phòng luôn đạt mức cao hơn cả nước, bình quân đạt 13,9%/năm, trong khi cả nước chỉ đạt 9,4%. Với sự phát triển cảng biển mạnh mẽ, Hải Phòng đã và đang từng bước khẳng định vị thế của một thương cảng lớn có công nghệ xếp dỡ hiện đại, tiên tiến. Đến nay, Hải Phòng có tới 39 doanh nghiệp cảng với 45 bến cảng có tổng chiều dài lên đến gần 11km, cùng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, có thể tiếp nhận tàu lên đến 50.000 tấn.
Đầu tư có tầm nhìn và “vừa sức”
Là doanh nghiệp cảng lớn nhất miền Bắc, Công ty CP cảng Hải Phòng, doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, khai thác các cảng tổng hợp đa dạng, đón lượng tàu lớn đến làm hàng. Trong quá trình vươn ra biển lớn, cảng Hải Phòng liên tục đầu tư, hiện đại hóa cảng gần biển nhất, từng bước tiến dần ra biển. Giai đoạn trước những năm 2000, khi cảng Hoàng Diệu còn đóng vai trò chính thì cảng Chùa Vẽ đã được nghiên cứu đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ODA-JBIC (Nhật Bản) với những bến container được khai thác bằng cần trục giàn cầu tàu hiện đại đầu tiên. Sau đó, cảng Tân Vũ được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2005-2015. Với cách thức đầu tư theo kiểu “cuốn chiếu” đó, cảng Hải Phòng đã tích lũy được nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đến thời điểm hiện tại, cảng Tân Vũ đã trở thành bến cảng chủ lực của cảng Hải Phòng với 5 cầu tàu với tổng chiều dài 980,6m. Tất cả các cầu tàu đang được sử dụng để khai thác hàng container, có kết cấu đảm bảo cho tàu 20.000 tấn đầy tải và 55.000 tấn giảm tải neo cập.
Nhằm tăng cường năng lực xếp dỡ và tiếp nhận container, tăng khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực khai thác tại khu vực phía Bắc, giữa năm 2017 vừa qua cảng Hải Phòng đã đầu tư 02 cần trục giàn QC phục vụ xếp dỡ tại cầu số 01 cảng Tân Vũ. Cần trục được sản xuất năm 2017 tại CHLB Đức, là loại cần trục giàn cầu tàu chuyên dùng xếp dỡ container sức nâng đến 50 tấn có khả năng phục vụ khai thác các tàu có chiều ngang xếp tới 14 hàng container, xếp cao 6 container trên mặt boong tàu. Cũng trong thời gian đó, Công ty CP cảng Hải Phòng đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm chuyên dụng TOS (Terminal Opperating System) thay thế hệ thống quản lý khai thác MIS nhằm huy vai trò tổ chức và điều hành sản xuất, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh và hiệu quả quản lý của Cảng. Hệ thống phần mềm chuyên dụng TOS đã kết nối thành công với hệ thống của Đề án giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu qua khu vực kho, bãi, cảng Hải Phòng trên Hệ thống thông quan điện tử của cơ quan Hải quan. Từ tháng 10/2016, cảng Hải Phòng thực hiện dịch vụ đón tàu Ro-ro tại cảng Tân Vũ, dự kiến sẽ mang lại nguồn thuế xuất nhập khẩu qua cảng Hải Phòng khoảng 7.000 tỷ/năm. Đó sẽ là bước đi vững chắc khẳng định xu hướng đầu tư đúng đắn trong quá trình vươn ra biển lớn.
Tập trung phát triển cảng cửa ngõ
Cảng Hải Phòng có khu vực Hoàng Diệu nằm sâu trong nội thành bên bờ sông Cấm. Là bến cảng chính một thời và là tiền thân cho sự hình thành của Cảng Hải Phòng hàng trăm năm, khu cảng Hoàng Diệu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó khi thành phố Hải Phòng có chủ trương di dời bến cảng này để xây dựng và phát triển đô thị. Việc xây dựng các bến cảng mới ở khu vực Lạch Huyện với mớn nước sâu để thay thế và đáp ứng nhu cầu thông thương hàng hóa trong tương lai là cần thiết.
Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng được đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ bốc xếp đồng bộ và hiện đại, có thể tiếp nhận được tàu container trọng tải lớn lên đến 8.000 Teu (tương đương với tàu trọng tải 100.000 tấn hoạt động trên tuyến vận tải biển xa), được kỳ vọng đóng vai trò trung tâm trong hệ thống cảng biển của Việt Nam và khu vực. Tại đây sẽ hình thành hệ thống logistics năng động, hiệu quả và trở thành trạm trung chuyển hàng hóa quốc tế, đưa hàng hóa xuất khẩu của khu vực miền Bắc đi thẳng tới thị trường Châu Âu, Châu Mỹ. Khi đó, hàng hóa không phải trung chuyển qua các cảng khu vực như Singapore, Hong Kong, giảm chi phí vận tải, tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương giao Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (thông qua Công ty cổ phần cảng Hải Phòng) được trực tiếp đầu tư 2 bến cảng và khu dịch vụ hậu cần logistics ở khu vực cảng của ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện. Như vậy, cảng Hải Phòng đang đứng trước cơ hội lớn để hiện đại hóa hoạt động cảng biển khu vực Hải Phòng, trong đó cảng Hải Phòng đóng vai trò trung tâm.
Nguồn: http://vinalines.com.vn